Chợ tình là một nét đặc sắc nổi tiếng trong văn hóa của người dân tộc Tây Bắc. Cũng là chợ tình nhưng mỗi dân tộc sẽ có những đặc điểm riêng. Nhắc đến chợ tình Hà Giang, người ta sẽ nghĩ ngay đến chợ tình Khâu Vai. Bạn biết gì về chợ tình Khâu Vai? Chợ tình này có gì đặc biệt? Tất cả sẽ được bật mí ngay sau đây.
Chợ tình Khâu Vai Hà Giang tổ chức ở đâu?
Hà Giang là một huyện miền núi của Tây Bắc. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc khác nhau. Và nếu tìm hiểu thì bạn cũng sẽ biết, nền văn hóa của các dân tộc ở đây đều rất đặc sắc. Nó thể hiện rõ qua cuộc sống và sinh hoạt của họ.
Chợ tình Khâu Vai là một trong những chợ tình nổi tiếng nhất của Hà Giang. Chợ được tổ chức tại bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Mèo Vạc là một huyện miền núi biên giới, địa hình chủ yếu là núi đá vôi. Không những vậy ở đây còn có sông Nho Quế chảy qua tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng và đẹp mắt. Chính vì vậy, đến với Mèo Vạc, bạn không chỉ được tham gia chợ tình. Mà bạn còn được tham quan và khám phá các địa điểm du lịch hấp dẫn ở nơi đây.
Chợ tình Hà Giang được tổ chức khi nào?
Các lễ hôi ở vùng cao thường được tổ chức vào mùa xuân. Thời điểm mà công việc của người dân ít hơn. Họ thường tổ chức các lễ nghi để cầu mong mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu cho cả năm. Chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang cũng không ngoại lệ.
Thời điểm diễn ra chợ tình là vào ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm. Trước đây, chợ chỉ diễn ra trong 1 ngày duy nhất. Nhưng hiện tại với mục đích quảng bá văn hóa và nét đẹp của địa phương. Chợ tình đã được tổ chức trong 3 ngày.
Theo tài liệu ghi lại, chợ tình ở Khâu Vai đã có lịch sử hơn 100 năm, bắt đầu từ năm 1919. Với một lịch sử lâu đời, chắc chắn chợ sẽ có rất nhiều điều cho bạn khám phá.
Nguồn gốc và truyền thuyết của chợ tình Khâu Vai
Khách du lịch tại Hà Giang còn gọi chợ tình Khâu Vai là chợ Phong Tình. Điều đặc biệt của chợ tình ở Hà Giang này xuất phát từ truyền thuyết hay chính là nguồn gốc ra đời của chợ.
Theo truyền thuyết kể lại, chợ bắt đầy từ chuyện tình của chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Chàng và nàng yêu nhau rất say đắm. Nhưng vì không cùng dân tộc, tổ tiên và khác biệt về phong tục tập quán. Đặc biệt là hoàn cảnh 2 gia đình đối nghịch nhau. Nhà nàng giàu và nàng là con gái của tộc trưởng người Giáy, trong khi gia đình chàng lại nghèo. Cũng chính vì vậy mà 2 người bị ngăn cấm không được yêu nhau.
Họ đã quyết định đưa nhau lên núi Khâu Vai để trốn và sống. Song cuộc sống lại không như họ mong muốn. Họ hàng của nàng Út đã vác cung vác nỏ sang nhà chàng để mắng chửi vì đã đem nàng bỏ nhà ra đi. Nhà chàng cũng mang dao và gậy sang đánh chửi nhà nàng. 2 người ở trên núi đã thấy rất rõ cảnh họ hàng 2 bên ở dưới đâm chém nhau. Vì vậy, họ đã quyết định chia tay, trở về nhà và làm tốt vai trò của họ ở gia tộc.
Trước khi chia tay nhau, họ đã hẹn nhau vào ngày 27 tháng 3 hàng năm sẽ đến núi Khâu Vai để hát cho nhau nghe. Rồi kể cho nhau nghe những chuyện đã xảy ra trong một năm vừa qua. Họ sẽ ở bên nhau hết đêm, sang ngày hôm sau họ trở về với cuộc sống bình thường. Và đến ngày cuối đời, họ sẽ đến đây và ôm chặt lấy nhau rồi đi vào cõi vĩnh hằng.
Cũng vì thương tiếc cho mối tình trắc trở của họ, mà dân làng đã lập nên miếu thơ Ông và miếu thờ Bà. Sau đó chọn ngày 27 tháng 3 là ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên. Đây chính là điểm đặc biệt của chợ tình nổi tiếng của Hà Giang này.
Nét đặc sắc của chợ tình Khâu Vai
Nếu không tìm hiểu kỹ, nhiều người sẽ nghĩ rằng, chợ tình Khâu Vai cũng như những chợ tình khác của Tây Bắc. Đây sẽ là nơi gặp gỡ của các chàng trai và cô gái chưa có gia đình. Họ gặp gỡ nhau, trò chuyện và tìm một người phù hợp để lấy.
Nhưng thực tế, chợ tình Hà Giang này khác biệt hoàn toàn. Chợ là nơi gặp gỡ của những đôi trai gái lỡ duyên. Họ đến chợ để tâm sự về cuộc sống trong một năm vừa qua, sống lại những cảm xúc của một thời đã qua. Và cũng giống như chàng Ba và nàng Út, hết chợ họ quay về cuộc sống bình thường.
Những người đã lập gia đình khi đến đây, vợ và chồng đều không hề ghen. Họ tôn trọng quá khứ của nhau, xem đây là trách nhiệm với đời sống tinh thần của mỗi người. Vì vậy, vợ chồng dẫn nhau đến chợ rồi vợ đi đằng vợ, chồng đi đằng chồng là chuyện hết sức bình thường.
Đây cũng chính là nét đặc biệt, sự mộc mạc và giản dị của chợ tình trên bản Khâu Vai của huyện Mèo Vạc.
Hoạt động của chợ tình
Chợ tình hoàn toàn không buôn bán bất kì sản phẩm nào. Chợ tổ chức để mọi người tìm đến nhau và tâm sự. Những đôi trai gái lỡ duyên như truyền thuyết kể lại vì bất kì một lý do nào đó sẽ đến chợ để hàn huyên sau một hoặc nhiều năm xa cách.
Theo thời gian, chợ dẫn được thương mại hóa, các hàng quán đã xuất hiện. Nhưng chủ yếu là để phục vụ cho phiên chợ. Còn bản chất của chợ vẫn được giữ nguyên. Mục đích chính của việc tổ chức phiên chợ là để ca ngợi tình yêu trong sáng của lứa đôi. Đây cũng chính là lý do mà chợ thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là dân phượt Hà Giang đến tham quan và tìm hiểu.
Chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang được tổ chức gồm 2 phần: phần Lễ và phần Hội.
Hoạt động của phần Lễ chợ tình
Với phần Lễ, người dân ở đây sẽ dâng lễ lên miếu Ông và miếu Bà để ghi nhớ công ơn khai sinh ra bản Khâu Vai. Đồng thời tôn vinh tình yêu của các cặp đôi. Già làng sẽ là người làm lễ và dâng hương để khai mạc chợ.
Hoạt động của phần Hội chợ tình Hà Giang
Còn phần Hội sẽ là các hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn như biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, hoạt động thể thao, chọi chim họa mi,.. Bên cạnh đó, chợ còn có các gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công của người địa phương và các đặc sản của Hà Giang. Khách du lịch đến chợ có thể tham quan và mua các sản phẩm về làm quà.
Đến đây thì chắc có lẽ bạn đã hiểu hơn về chợ tình Khâu Vai. Bạn cũng biết được tại sao chợ tình này lại nổi tiếng ở đất Hà Giang đến như vậy. Ngoài chợ tình ở Khâu Vai, thì bạn còn có thể khám phá nhiều chợ tình Hà Giang khác. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, khi đến với vùng đất địa đầu Tổ Quốc này, bạn đừng quên ghé Khâu Vai để hòa mình vào không khí vui nhộn và có phần trầm lắng của chợ tình tại đây. Chắc chắn, Hà Giang trong bạn sẽ đẹp và đáng nhớ hơn rất nhiều.